Con vật này nên gọi là "Ngón tay có cánh" hay nên gọi "Cánh có ngón tay"? Mà liệu có bao nhiêu người đọc thì mặc nhiên chấp nhận cái thông tin được người ta ghi, có bao nhiêu người sẽ thắc mắc như vậy? Có rất nhiều tên con vật đã tuyệt chủng nên ở Việt Nam giới khoa học chưa có đặt tên, sử dụng luôn tên khoa học tiếng Anh. Cho nên tên tiếng Việt của con này không biết do ai đặt ra và do ai duyệt.
Nói chung, chuyện này tôi thấy mức độ cũng không quan trọng lắm. Cái mà tôi muốn nói, là những chuyện khác có tính chất tương tự, nhưng mức độ tác động lại nghiêm trọng hơn, mà cũng không ai để ý luôn. Ví dụ như công việc phân loại rác tái chế hay không tái chế. Nhà tôi khi bỏ rác, thì sẽ để riêng những hộp giấy, chai nhựa có thể tái chế. Thế nhưng tôi lại thấy người đi lấy rác, tùy rác tái chế có giá thì để riêng, loại không đáng giá thì họ cũng gom chung với rác thông thường, cho dù nhà dân đã phân ra rồi.
Huống hồ chi, ở những nơi kinh doanh quán sá, nhà hàng, các nhân viên chỉ cốt lo xong việc của họ rồi thôi, chứ họ để tâm đâu tới việc phân loại rác tái chế hay không tái chế. Có những người giúp việc quán ven đường, mặt tiền đường hoặc thậm chí chủ của hàng quán vỉa hè, họ quét dọn xong xuôi, tiện tay đổ luôn rác xuống miệng cống cho nhanh xong việc.
Mà những người làm những công việc vị trí như thế, bình thường rảnh rỗi họ đâu có chạy đi tìm hiểu quan tâm cộng đồng như làm sao giữ gìn môi trường, như Trái đất đang bị cái gì,... Mà điều đó cũng không thể trách họ, vì họ còn phải lo chén cơm từng ngày mà. Lo toan cuộc sống cơ bản còn vất vả, thì tâm trí đâu mà họ lo chuyện xa hơn. Nhưng thế chẳng phải một vấn đề lớn là môi trường, đều nằm trong sự định đoạt của những người không hề quan tâm tới nó. Cho nên, vai trò tuyên truyền của chính quyền địa phương ở điểm này rất là quan trọng. Nó sẽ tác động thay đổi lớn tới cách hành xử của từng đối tượng thành phần trong cộng đồng.
Cũng như ngày xưa, thời phong kiến quy định phụ nữ không được đến trường. Rồi thêm quan điểm đàn ông ra ngoài lo công việc; chuyện gia đình, chăm lo dạy dỗ con cái giao cho phụ nữ. Hai cái đó kết hợp lại, chẳng phải sẽ thành: thế hệ tương lai của đất nước giao cho người không có học dìu dắt, định hướng, hay sao? Cho mình miễn phần lời kết nha!